GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11
CUỐN SÁCH: “ TUYỂN TẬP THƠ THẦY GIÁO VÀ NHÀ TRƯỜNG”
Tháng 11 là tháng mà mọi người, mọi tấm lòng đang cùng hoà chung,cùng đồng nhất trong một mối nguồn tình cảm để hướng tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Để chào mừng ngày lễ trọng đại này, trong buổi giới thiệu sách hôm nay, tôi sẽ gửi tới các bạn cuốn sách “ Tuyển tập thơ thầy giáo và nhà trường” do Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Vũ Tiềm sưu tầm và tuyển chọn. Và đây chính là cuốn sách tôi muốn giới thiệu với các bạn. Bìa sắc nhẹ nhàng với sắc màu tím, sắc màu gợi hoài một nỗi xa xăm, một niềm thương nhớ; đơn giản với hình ảnh hai cô học trò vận tà áo trắng thướt tha tung bay theo gió đứng dưới gốc cây rủ mềm cành lá. Tên sách được in bằng 3 màu mực: nâu, trắng, xanh nổi bật trên nền tím nhạt. Khổ sách dài 26 cm, rộng 14 cm, gồm 580 tramg. Cuốn sách với hơn 300 bài thơ của hơn 200 tác giả là nhà thơ, nhà giáo, học sinh, sinh viên... viết về tình thầy trò nồng ấm, về tấm lòng của nhân dân đối với người thầy, về công việc lặng thầm với bao khó nhọc, vất vả của nghề giáo.
Tuyển tập thơ mở đầu với bài thơ Học sinh tựu trường của Nguyễn Bính với học trò trường huyện, Xuân Huy với Giận nhau, Xuân Tầm với Nghỉ hè... Những bài thơ là nét vẽ của kỉ niệm, bật lên hình ảnh bạn bè, thầy cô, mái trường, bạn bè sáng trong tươi đẹp.
Trong bài thơ Tựu trường, Huy Cận đã thức dậy trong bài thơ là nỗi lòng của một chàng trai mặc dù đã bước qua ngày tháng học trò, nhưng tâm hồn vẫn đáng yêu, vẫn mộng mơ như khi 15 tuổi vào trường. Lời thơ là tiếng yêu và nhớ, nhớ và khắc ghi những gì là hồn nhiên, kỉ niệm tươi đẹp về mái trường, về bạn bè, và Huy Cận với bài thơ Học sinh: Bốn vách nghiêm trang tiếng đọc bài/ Đầu xanh dăm chục, nét văn khôi/ Chiều xuân chim sẻ vô trong lớp/ Ông giáo trông lên,chúng bạn cười.
Đọc Tuyển tập thơ Thầy giáo và nhà trường - cuốn sách với những bài thơ không chỉ là sắc hồng của kỉ niệm mà còn là tiếng đau xé lòng, tiếng phẫn uất trước tội ác của bọn đế quốc Mĩ trong chiến tranh. Bài thơ Chúng em muốn học của Trinh Đường là giọt nước mắt thực sự trước sự kiện 18/02/1966 em học sinh vừa chết vừa bị thương do giặc Mĩ ném bom xuống ngôi trường cấp II ở Hà Tĩnh.
Có ai ngờ chúng em/ Chết rồi mà chưa biết/ Như diều chợt đứt dây/ Không mắt ai nhắm kịp.
Hay cũng bởi chiến tranh mà tâm hồn của bao đứa học trò non trẻ phải trốn vào câu chuyện của thầy để lòng bớt sợ trong bài thơ về một ngôi trường ở Quảng Phước, nhà giáo Nguyễn Đình Trọng đã viết: “ Nằm giữa học trò trong căn phòng tối/ Dưới tấm phản dày,bao cát xung quanh/ Câu chuyện cổ tích xin thầy đưa lối/ Cho các em quên tiếng súng nổ gần”. Nhưng cũng từ bài thơ cho ta thấy được lòng thầy như cõi bình yên, luôn rộng mở để bao dung tất cả... đúng đó là tình thầy.
Cuốn sách là những lời thơ tươi sáng nhất vẽ lên hình ảnh người thầy hết lòng dạy dỗ, yêu thương học sinh, tận tuỵ trong nghề nghiệp. Trong Thăm thầy của Thy Ngọc, người thầy đẹp với chỉ câu nói : “ Con khỏi lo tiền thầy vơi,gạo thiếu/ Chuyện ấy lẽ thường, đời đạm bạc từng quen/ Mối bận tâm nhắc lại nếu con quên/ Đời chỉ đẹp nếu có tình có nghĩa”. Thầy là người ươm ấp tâm hồn cho những đứa học trò, có thể nói người thầy đã dựng bước nền cho ta tới thành công, nhưng thầy không cần học trò trả ơn mình bằng vật chất mà điều quan trọng nhất thầy mong là hãy mãi mãi nhớ lời thầy: Hãy sống sao cho có tình, có nghĩa.
“ Tuyển tập thơ thầy giáo và nhà trường”- một cuốn sách đơn giản với câu chữ, nội dung nhưng cái hay của nó chính bởi những tình cảm chân thành được chào thấm lên trong thơ, và có lẽ điều đáng quý nhất của cuốn sách là nó cho ta hiểu được nỗi khó nhọc của nghề giáo, giúp ta biết trân trọng người thầy, người đã nắn tạo cho ta cái cốt cách.
Tháng 11 đến đem bao điều ý nghĩa về mái trường, về thầy cô. Hãy đến với thư viện nhà trường để cùng đón đọc những cuốn sách hay về mái trường, về thầy cô nhé. Chúng tôi rất vui được phục vụ các bạn.
.png)
.png)
.png)
.png)
.png)
T/H: THVH